Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2016

Tạp bút:

                                                     TẢN MẠN VỀ GIA ĐÌNH
                                                                            ----
Ngày sinh nhật, tôi bùi ngùi post lên facebook: “Ai cũng thắng, chỉ một mình tôi bại/ sáu lăm năm , nghĩ uổng một kiếp người.” Sau đó, bạn bè nhiều người đồng cảm, an ủi tôi rằng: “ anh không bại”, “ Chú “thắng” trong lòng con”,” thắng bại chỉ là cách nghĩ”... Có một bạn còn chia sẻ riêng cho tôi một bài viết thật tuyệt vời của một em học sinh về sự thành công. Quả tình tôi đã nhiều lần rơi nước mắt khi đọc xong bài văn ấy.
Tôi vô cùng cảm ơn các bạn đã quan tâm chia sẻ. Nhưng các bạn ơi, tôi coi mình như một người thất bại, không phải là so sánh  với các “ đối thủ” của mình. Đời tôi vốn không có đối thủ nào! Tôi chỉ tự thua chính mình, ngay trên “ sân nhà” mình mà thôi. Trong cuộc đời của mỗi một người, tiêu chí mà người ta thường dựa vào để đánh giá sự thành công là vật chất: nhà cao cửa rộng, xe cộ đề huề, vợ đẹp con khôn...Những thứ đó tạo nên cái lớp võ hào nhoáng của cụm từ gia đình thành đạt. Cái võ ấy tôi không thiếu. Nếu hiểu theo cách thông thường thì tôi cũng là người thành công đấy.Thế  nhưng, trong sâu thẩm đáy lòng tôi biết mình không thành công nếu chưa muốn nói là thất bại. Tại sao ư?
Cái nhà dù lớn, cũng không phải là gia đình, nếu nó không phải là nơi che chở cho những thành viên trong đó những khi mõi mệt trước sóng gió cuộc đời ( chứ không chỉ là che mưa nắng). Điều này tôi chưa kịp nói với người bạn đời đã 40 năm chung sống. Cái nhà không phải là khách sạn để mỗi người một phòng trong một thế giới riêng tư biệt lập, chẳng ai cần biết đến ai. Điều này tôi cũng chưa kịp nói với các con, dù đứa nhỏ nhất cũng ngoài 30 tuổi. Hay như những điều đơn giản nhất trong một gia đình mà ai cũng nên biết, đó là cây có cội, nước có nguồn, làm người phải biết ông bà tổ tiên; như là: anh em như thể tay chân/ anh em hòa thuận hai thân vui mừng; như là: gia hòa vạn sự hưng...Tiếc rằng, tôi chưa có dịp nào để nói với những người cần nói, để hôm nay thì cơ hội đã không còn. Tục ngữ có câu: Dạy con từ thuở còn thơ/ dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về. Con thì nay ở tuổi “ khôn nhất đời”, còn vợ thì đâu còn bơ vơ nữa mà đã là một bà chủ quyền thế. Nghĩ lại, lời tổng kết 65 năm làm người cũng không phải là cường điệu.
            Không phải tôi không có ý thức về xây dựng gia đình, nhưng ngày còn trẻ cuộc sống khó khăn quá. Đầu tắt mặt tối để các con được học hành đàng hoàng. Cái thời ăn bửa sáng lo chạy bửa chiều làm con người ta mụ mị hẳn đi. Mọi chuyện giáo dục đều khoán trắng cho nhà trường. Khổ nỗi, hình như ngày nay người ta muốn giáo dục trẻ em những điều phi thường hơn là bình thường.Vì vậy sản phẩm giáo dục nó mới lạ lạ làm sao! Còn tôi, tôi chỉ tự nhủ với lòng cố làm gương là đủ. Tôi có thể tự hào là đã sống với cha mẹ trọn đạo làm con, sống với anh em, họ hàng không có điều gì phải hối tiếc. Thế mà, cuối đời nhìn lại, hình như phương pháp này cũng sai bét. Phải chăng cuộc sống hối hả không có thì giờ cho những chiêm nghiệm về cuộc đời, về nhân tình thế thái. Cả bửa cơm hàng ngày cũng chẳng mấy khi cả nhà ngồi chung thì làm sao có sự “ truyền lửa” từ thế hệ này sang thế hệ khác. Gia đình vì vậy ngày càng thiếu chất keo gắn kết. May thay , đây chỉ là cá biệt.
 Nhân ngày gia đình Việt Nam 28/6/2016 tôi lan man đôi dòng tâm sự của một người tự nhận thất bại, Tôi không hề ganh tỵ và luôn cầu mong cho tất cả mọi người đều thành công trong cuộc sống gia đình.

                                               Vân Đồn tháng 6/16 ( Nhân ngày gia đình VN)
TÙY BÚT củaVân Đồn:
                                                                         AI ĐIÊN???

Có người nói rằng tới Đà lạt mà chưa nghe nhạc ở quán cà phê “ Cung Tơ Chiều ” thì  chẳng khác nào chưa tới. Tất nhiên, tôi hiểu, đây chỉ là cảm nhận chủ quan của nhũng người yêu nhạc và trên hết là thích cảm giác lạ. Một cây đàn thùng, một người phụ nữ tuổi ngoại ngũ tuần với giọng ca khàn đục vì sao trở thành một hiện tượng thu hút  khá nhiều khách du lịch khi đến Đà lạt?
Trận mưa rả rích do một áp thấp nhiệt đới ngoài biển đông làm cho Đà lạt càng lạnh hơn.Trên đồi thông vắng buổi tối, lại càng làm cho độ lạnh tăng lên một bậc. Và,” Cung tơ chiều” đó. Một không gian ma quái huyền hoặc với đèn nền  mờ ảo và sự tỉnh lặng đến rợn người. Không gian ma quái và người chủ nhân khùng. Chị là Giang khùng- nhiều người gọi như vậy. Cũng có anh tài xế taxi gọi chị là bà điên: - các anh đến chỗ bà điên à. Thế đấy. Điên hay khùng cũng là một trạng thái không bình thường, nhưng cấp độ có khác nhau. Có lẽ những người từng gặp người phụ nữ này ở từng cấp độ khác nhau mà có cách gọi khác nhau chăng? Có điều người ta háo hức đến đây là để nghe chị hát. Chị chỉ hát nhạc xưa ( trước 1975) và chỉ một vài tác giả quen thuộc như : Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Phạm Duy...Dường như các tác giả này đã định hình một phân khúc riêng cho nhạc tình, có vẽ như sang hơn , trí thức hơn. Và người phụ nữ này đêm đêm thả hồn mình vào thế giới những cuộc tình chưa trọn vẹn. Công bằng mà nói, chị hát chưa hay. Giọng ca khàn đục của một người đã bước vào hoàng hôn cuộc đời và hút quá nhiều thuốc lá thì không thể là giọng ca “ vàng ”. Tuy nhiên, chị lại dìu được người nghe vào thế giới của những cuộc tình lãng mạn, say đắm, đau thương và trắc trở bằng những âm ba  từ trái tim. Tôi cảm nhận chị đã một thời từng yêu say đắm, từng đau héo tim để có ngày nay lắng hồn vào những khúc tình ca lay động lòng người này.
Người ta cho chị là điên khùng có lẽ còn ở mặt phong cách giao tiếp. Cà phê Cung Tơ Chiều của chị không cần chìu khách. Ai thích và chấp nhận những quy định của quán thì đến. Ai không thích, không chấp hành quy định thì tự rời khỏi. Có những quy định có vẽ bất thường như chính người chủ không bình thường của nó: Không trả lời bất kỳ câu hỏi nào. Không nói chuyện lớn hơn tiếng nhạc. không được quay phim, chụp ảnh, ghi âm...Vậy mà  hơn 10 năm nay, khách vẫn liên tục đến để nghe chị hát. Phần cà phê hay nước giải khát chỉ là “ cái cớ”. Vì không uống gì cả mỗi người vẫn phải trả 100.000 đồng cho một suất vào quán. Cũng giống như chị, mười năm nay chị vẫn đều đặn hát. Nhưng thích thì hát, không thích thì nghỉ không ai bắt buộc được. Muốn hát bài nào thì hát chẳng có chủ đề, chủ nghĩa gì cả.
Cuối cùng thì phải công nhận là chị thành công trong chuyện “ làm ăn “ này. Ba đêm ở  Đà lạt thì có đến hai đêm những người bạn của tôi chịu khó đội mưa trèo lên đồi thông lạnh vắng để nghe “ bà khùng” hát. Tôi thì cho rằng chị không khùng, không điên  mà chỉ “QUÁI”. Có lần tôi nói nhỏ với người bạn già ngồi bên: Có khi bà ấy lại cười chúng ta là một lũ khùng điên cũng nên. Vì chỉ có người điên khùng mới bỏ công sức, tiền của , thời gian để đi nghe một người điên hát
Nhưng cuối cùng nghiệm lại thì không phải. Hóa ra bà ấy chỉ “ làm ăn” theo một cách rất riêng. Và, mọi người đến đây cũng chỉ là giả khờ để tìm cho mình những cung bậc tình cảm mà có lẽ những bộn bề của cuộc sống đã vùi lấp nó vào quá khứ.

                                                                            VĐ ( trại sáng tác văn học 2016)
TẠP BÚT CỦA VÂN ĐỒN:
TIỀN... CHẠY DỞ
Tôi đang lãnh tiền trợ cấp thì một người bạn đi ngang qua hỏi: ông lãnh tiền gì vậy. Bất giác, tôi buột miệng: Ừ, thì tiền...chạy dở. Người bạn đi rồi, còn lại ánh mắt ngạc nhiên của những người chung quanh. Và tôi, với tâm thế nửa cười nửa mếu.
Có lẽ, anh bạn cũng quen với tính hay đùa của tôi, mà cũng có thể do bận việc nên vội vã bỏ đi không cần tìm hiểu tôi đang nói gì. Hoặc cũng có thể là một câu hỏi xã giao mà người hỏi không cần đáp án. Chỉ có ánh mắt của những người còn lại, chừng như ngạc nhiên và hiếu kỳ. Có lẽ họ muốn biết vì sao mà dở lại được lãnh tiền.
Thông thường khi làm một việc gì phải tốt, phải vuợt kế hoạch, phải trên cả tuyệt vời thì mới được khen thưởng. Đàng này, lãnh tiền chạy dở là sao ?
 Có lẽ, phải bắt đầu từ tâm tư của những  người không may mắn khi tham gia hoạt động cách mạng. Vì nhiều nguyên, nhân họ bị địch bắt giam vào các nhà tù, bị tra khảo đánh đập thừa chết thiếu sống, Rất nhiều người kiên trung bất khuất một lòng một dạ theo cách mạng đến cùng, thà chịu nhiều đòn tra tấn cực hình cũng quyết tâm bảo vệ cách mạng, bảo vệ Đảng và cơ sở cách mạng. Tuy vậy cũng có một phần nhỏ không chịu nổi cực hình đã đầu hàng phản bội. Sau giải phóng, tổ chức và nhân dân cũng đã nhận diện được những thành phần này, nên việc xét công nhận là người có công thuộc diện bị địch bắt tù đày cũng đã làm khá bài bản, nếu không muốn nói là có phần khắc khe.
Thế nhưng, trong con mắt của bạn bè, đồng đội, thì những người từng bị địch giam cầm dường như có một góc khuất nào đó mà họ cần phải dè chừng. Đôi khi những ẩn tình này bộc lộ thành những phát ngôn nghe như đùa, như thật: “ tại tụi mày chạy dở nên mới bị bắt ”. Tôi từng biết một trường hợp vì những phát ngôn kiểu này mà một người bạn cạch mặt một người bạn. Có lẽ vì vậy, từ lâu tôi bị ám ảnh bởi tình huống này.
Thực tế, có những người may mắn bước ra khỏi cuộc chiến với thân hình nguyên vẹn lành lặn. Họ là những người nhanh chóng thăng tiến trên “ quan trường”. Còn lại một phần là thương binh, bịnh binh, những người cố níu kéo cái quá khứ hào hùng nhưng lại lạ lẫm với tương lai đất nước. Tội nhất là những người bị bắt tù đày, suốt một thời gian dài dường như họ bị lãng quên. Mãi đến năm 2013, khi nghị định 31/CP ra đời họ mới được hưởng trợ cấp hàng tháng.  Không nhiều, nhưng chắc đủ để nuôi dưỡng niềm tự hào về một thời gian truân lao ngục. Và số tiền trợ cấp này hiểu theo một nghĩa nào đó chính là “ tiền chạy dở “. Vì dở mới bị bắt như bạn bè đã đùa cợt
Tôi không muốn nói nhiều về những gian lao trong nhà tù thực dân -  đế quốc. Điều đó đầy dẩy trong các nguồn tư liệu. Nhưng cái mất mát thấy rõ của các tù nhân là sức khỏe và tinh thần. Dù vậy vẫn chưa phải là cái mất lớn nhất. Tôi cho rằng sự đánh mất thời gian trong lúc bị giam cầm mới là điều không thể bù đắp được. Cùng thời gian đó, bạn bè họ, thậm chí thuộc cấp họ may mắn hơn thì đã trưởng thành và thậm chí còn giành được quyền phán xét họ. Nỗi đau “ tình đời” vẫn là nỗi đau dấu mặt trong  mỗi cựu tù.
Đảng và nhà nước khi thực hiện chế độ trợ cấp đối với cựu tù kháng chiến thì đã thể hiện rõ quan điểm đối với người có công với đất nước. Những người được hưởng trợ cấp đa số cũng đều cảm thấy an ủi, dù là hơi muộn màng. Song đâu đó trong nội bộ vẫn còn những cái nhìn định kiến, những phát ngôn vô trách nhiệm, làm cho niềm vui chưa được trọn vẹn
Hơn 40 năm kết thúc chiến tranh, thời gian đủ để gột rửa những phù phiếm giả tạo để trả lại cho lịch sử những gì chân thật, vĩnh cửu. Mong rằng khi ký tên nhận những khoản tiền trợ cấp này, người tù năm xưa không còn băn khoăn giữa cười và mếu.
                                                                           VD tháng 8/2016


Chủ Nhật, 7 tháng 8, 2016

HO NHU MOT GIA DINH

                                                          HỌ NHƯ MỘT GIA ĐÌNH
Nghỉ hưu, tôi may mắn được đồng chí đồng đội “ rủ” vào công tác trong một ngành khá đặc biệt:  Đó là tổ chức của những cựu tù kháng chiến. Và cái tên của nó cũng khá đặc biệt: Ban liên lạc chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày. Tên thì dài ngoằn và có vẽ hơi bị nổ. Nhưng nói nôm na đó là nơi tập họp của những người hoạt động kháng chiến từng bị bắt cầm tù trong các nhà lao của thực  dân đế quốc. Nhờ đó, tôi có dịp hiểu thêm về một dạng đối tượng có công khác ngoài thương binh và liệt sỹ. Hôm nay- trong pham vi bài này tôi muốn giới thiệu với các bạn  một hoạt động của những cựu tù binh Phú Quốc mà tôi được chứng kiến trong  tháng  5 vừa qua: Lễ giỗ lần thứ 25 các liệt sỹ hy sinh tại nhà tù Phú quốc (phân khu B8) năm 1972.
Phân khu B8 là nơi chịu sự đàn áp trực diện bằng súng đạn  của bọn cai ngục Phú quốc vào ngày 6/5/1972. Kết quả của cuộc thảm sát này là 248 tù binh thương vong, trong đó hơn 100 người tử vong tại chỗ. Có thể nói đây là trận đàn áp tồi tệ nhất trong lịch sử nhà tú Phú Quốc. Năm 1973 tù binh được trao trả theo hiệp  định Paris. Anh em B8 mỗi người một nơi. Sau giải phóng 1975, mỗi người cũng đều bận công tác nên chưa có dịp tìm thăm hỏi nhau .Tuy vậy mỗi người vẫn thường đau đáu về một kì niệm đau buồn, về những đồng chí đồng đội năm nào đã hy sinh oanh liệt trước họng súng quân thù. Mãi đến năm 1990, một số đồng chí cựu tù năm xưa mới có dịp cùng nhau tổ chức họp mặt anh em. Và họ quyết định lấy ngày hy sinh của những tù binh B8 là 6/5 hàng năm vừa làm ngày giỗ cho đồng đội vừa là ngày họp mặt những người còn sống.
Từ đó đến nay, mỗi năm là một bạn tù đăng cai việc họp mặt và làm giỗ. Khi Bình Dương, khi thành phố Hồ chí Minh, lúc thì ở Bình Thuận, Ninh Thuận hoặc Tây ninh , Đồng Nai...Theo quy định, người đăng cai có trách nhiệm chính trong việc tổ chức - kể cả kinh phí. Anh em đến họp mặt thì đều có đóng góp nhưng tùy hỉ.
 Năm nay, anh Lê Đức Phong một cựu tù binh của B8 và hiện là trưởng ban liên lạc chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày thị xã Dĩ an tổ chức lễ. Một lễ đài được tổ chức đơn sơ nhưng trang trọng. Những nén hương được thắp lên bởi những bàn tay run run vì cảm xúc.Tôi nhìn rõ được nét hằn của thời gian, của những trải nghiệm gian truân trên từng khuôn mặt họ. Hơn 40 con người đều ngoại lục tuần, có nhiều người đã ở tuổi bát tuần nhưng vẫn vượt nhiều cây số” không gian” và “ thời gian “ để về tưởng niệm những đồng đội quá cố. Tôi có cảm giác như họ là những thành viên trong một gia đình lớn.
Sau nghi thức tưởng niệm là cuộc họp mặt thân mật của những người bạn tù năm xưa còn sống sót. Tuổi già không ngăn được những tình cảm trào dâng trên từng khuôn mặt. Họ ôn lại những ngày gian khó, họ thăm hỏi những bạn tù còn khó khăn hoặc đau yếu. Qua những trao đổi tâm tình, chúng tôi biết được họ còn  làm được khá nhiều cho đồng đội chứ không riêng việc tưởng niệm như một lễ giỗ hàng năm. Từ khi hình thành ban liên lạc B8 đến nay, anh em đã vận động quyên góp xây dựng cho các đồng chí còn khó khăn 14 căn nhà tình nghĩa. Nhiều gia đình được tặng bò để chăn nuôi cải thiện đời sống. Rất nhiều anh em cựu tù binh B8 khi đau yếu, qua đời đều được Ban liên lạc thăm viếng và phúng điếu, mặc dù địa bàn rộng trãi dài nhiều tỉnh thành trong cả nước việc đi lại có khó khăn nhất định. Nhưng đó cũng chính là nét đặc thù của tổ chức này. Ngày nay trên cả nước, tổ chức Ban liên lạc ( có nơi là Hội cựu tù kháng chiến) chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù  đày hoạt động theo đơn vị hành chính. Chỉ riềng Ban Liên Lạc B8 là tập họp, quản lý anh em  theo tiêu chí là tù binh B8 Phú quốc, không kể hiện đang cư trú tỉnh nào. Tất nhiên là sẽ khó khăn hơn, song với tinh thần vì đồng đội, mọi người tự nguyện dành phần sức lực cuối đời để san xẻ cho nhau những yêu thương, ấm áp mà họ vốn thiếu thốn trong những ngày lao ngục.
Cảm phục và yêu mến họ, nhưng chúng tôi cũng không khỏi băn khoăn: Liệu không biết những ngày vui này còn được bao lâu. Tất cả đã bước vào buổi hoàng hôn cuộc đời, mà quy luật đời người thì không thể cưỡng lại. Chỉ biết cầu mong sao họ tận dụng được thời gian một cách tốt nhất.
Hàng năm nhà nước lấy ngày 27/7 là ngày Thương binh liệt sỹ. Cả xã hội sẽ hướng về những người có công với nước, đó là đạo lý. Nhưng bên cạnh sự chăm lo của xã hội, thì những người thuộc đối tượng này cũng tự lo cho nhau, chăm sóc nhau, như những anh em cựu tù binh B8 chúng tôi vừa nêu trên, quả thật vô cùng đáng trân trọng.
Mong thay những việc làm như vậy sẽ được nhân rộng hơn nữa.

                                                                  Vân Đồn tháng 7/2016

Thứ Bảy, 5 tháng 3, 2016

                                                       
Vân Đồn:
                                                   ĐIỂM DỪNG HẠNH PHÚC
                                                                               ----
Tình cờ chúng tôi đến với Trung Tâm nuôi dưỡng người già, neo đơn và khuyết tật Thuận An ( thuộc Trung Tâm Bảo trợ Xã Hội Tỉnh Bình Dương)vào một ngày nóng bức. Thế nhưng, không khí ở đây có phần dễ chịu nhờ những bóng cây, những giàn hoa như cố tình vươn lên để xoa dịu những mãnh đời bất hạnh.
Gọi họ là những mảnh đời bất hạnh cũng không phải là quá. Những thành viên ở đây  là những đối tượng cần được xã hội giúp đở: Người già cả không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi bị bỏ rơi, những người tâm thần mãn tính hoặc bị bệnh nan y...Tất cả khỏang 300 người thường xuyên được Trung Tâm bảo bộc nuôi dưỡng.
Đối với một số lượng người khá lớn gồm nhiều đối tượng khác nhau, nhiều bệnh cảnh khác nhau thì việc ăn uống thôi đã là một vấn đề lớn. Ngoài những bữa ăn chính theo tiêu chuẩn của nhà nước quy định, Trung tâm còn vận động thêm các mạnh thường quân, các nhà tài trợ, nên thường xuyên các trại viên  có những bữa ăn dặm  khá đầy đủ dinh dưỡng. Cũng không phải có gì cho ăn nấy, mà trung tâm quan tâm rất kỷ đến yếu tố sức khỏe và tuổi tác của nhiều đối tượng khác nhau,  để xây dựng thực đơn phù hợp cho từng nhóm đối tượng. Ví dụ người già thực đơn phải khác, trẻ em khác, người đau yếu lại phải khác theo từng bệnh cảnh...
 Song song với ăn uống, còn biết bao nhiêu chuyện khác thuộc về đời sống, sinh hoạt, đau bệnh và cả chuyện chết, trung tâm đều phải lo hết. Có thể nói không ngoa rằng nơi đây là một xã hội đặc thù. Tất cả đối tượng khi được tiếp nhận vào trại đều phải qua kiểm tra phân loại sức khỏe để có chế độ chăm sóc phù hợp. Một số bệnh nguy hiểm như HIV/AIDS, giang mai, viêm gan siêu vi... đều được tổ chức xét nghiệm ban đầu cẩn thận . Từ đó, bộ phận y tế của trung tâm có cơ sở để thường xuyên theo dõi và điều trị cho người bệnh. Những trường hợp ngoài khả năng điều trị của y tế trung tâm, đều được đưa lên tuyến trên điều trị, và có người theo dõi chăm sóc chu đáo. Trường hợp có đối tượng già yếu, bệnh tật qua đời, thì được trung tâm tổ chức tang lễ an táng theo quy chế chung.
Trong sinh hoạt hàng ngày, tùy theo từng nhóm đối tượng, trung tâm tổ chức cho họ sinh hoạt, học hành và vui chơi. Ví như các trẻ em có thể đi học thì tạo điều kiện cho đến trường học tập, nhóm các em tập trung tạm thời thì dạy tại chỗ cho biết đọc biết viết, chờ ngày đoàn tụ gia đình. Ngoài ra các em còn được học võ thuật, bơi lội để nâng cao kỹ năng sống và tái hòa nhập cộng đồng. Đối với nhóm đối tượng tàn tật nhẹ thì đào tạo những nghề đơn giản như dệt saori, hay các nghề thủ công giúp họ có thêm thu nhập. Riêng đối với các cụ cao tuổi thì trung tâm tạo điều kiện cho họ tập luyện dưỡng sinh để duy trì và nâng cao sức khỏe, đồng thời chăm sóc hoa kiểng, chim thú để giải trí và tạo thêm thu nhập. Chúng tôi hỏi cụ Hoàng thị Thương 70 tuổi: Các cụ có được cho đi chơi đâu không? Trong thâm tâm tôi nghĩ là hỏi cho vui vậy thôi, nhưng câu trả lời của cụ làm tôi ngạc nhiên thật sự:” Có chứ. Khi thì đi Vũng Tàu, khi thì đi Đà Lạt, cũng có khi thì đi gần như Suối Tiên, Sở thú chẳng hạn”. Hóa ra không chỉ là lo cái ăn cái mặc, đau bệnh, học hành mà cả nhu cầu giải trí tham quam học hỏi của các trại viên đều được lãnh đạo trung tâm chăm lo đầy đủ. Chị Phạm Thị Yến giám đốc trung tâm còn cho chúng tôi biết: Các ngày lễ tết trong năm như tết nguyên đán, tết trung thu, tết đoan ngọ, tết dương lịch,hay lễ 30/4, 2/9, quốc tế người cao tuổi, quốc tế thiếu nhi, các ngày rằm lớn trong năm... trung tâm đều có tổ chức họp mặt liên hoan cho từng nhóm đối tượng
Hướng dẫn chúng tôi đi thăm các khu trong trại, chi Yến thân mật hỏi thăm từng người, chị nhớ rõ từng tên tuổi của trại viên và mọi người đều tiếp xúc với chị một cách tự nhiên thân thiện như người trong gia đình. Khi chúng tôi có ý định hỏi một vài trại viên về đời sống sinh hoạt của họ, chi tự tin bảo rằng: Các anh có thể gặp bất cứ ai, hỏi bất cứ vấn đề gì, không sao cả. Thật ra, nhìn cảnh sinh hoạt nề nếp, phòng ốc sạch sẽ gọn gàng, ngoài sân vườn hoa cỏ được chăm sóc tươi đẹp chúng tôi cũng có thể hình dung một đời sống khá “đàng hoàng” ở nơi này mà không cần hỏi gì nhiều
Đến như chuyện cuối đời người là cái chết cũng được trung tâm chăm lo khá tươm tất. Hiện tại Trung tâm có một nhà tang lễ khá rộng rãi để lo hậu sự cho những người qua đời. Thật ra, các cụ sống lâu dài và qua đời tại đây hầu như đều là người cô đơn không còn người thân, nên việc mai táng cũng thực hiên theo quy định chung là hỏa táng và gửi tro cốt vô chùa. Tuy nhiên, cũng không phải không có trường hợp khi sống thì cô đơn nương nhờ sự bảo trợ của nhà nước, xã hội, nhưng khi chết thì con cháu “ để tang trắng trời”. Không biết nên nói rằng đây là “ khe hở “ của pháp luật hay “ khe tối “ của lòng người. Cũng may chuyện như vậy không nhiều.
Được biết, tết này Trung Tâm lại tất bật chuẩn bị lo cho tất cả thành viên của mình một cái tết vui tươi và tươm tất hơn. Phần nào tiêu chuẩn của nhà nước thì nghiêm túc thực hiện. Ngoài ra Trung Tâm cũng tích cực vận động các nhà hão tâm, các mạnh thường quân cùng chung tay góp sức để các trại viên có được cái tết ấm áp tình người
Rời khỏi trung tâm trong một chiều trời đẹp, nhìn cảnh thanh bình êm ả tại đây,chúng tôi thầm mong cuộc sống của mọi người luôn ổn định và ngày càng tốt đẹp hơn. Xin cảm ơn nhà nước và xã hội đã dành cho những mãnh đời bất hạnh một điểm dừng hạnh phúc  để họ tin yêu vào cuộc sống.

                                                                              VĐ (Những ngày cuối năm 2015)

Thứ Hai, 16 tháng 11, 2015

NGƯỜI CAO TUỔI DĨ AN VỚI PHONG TRÀO LÀM KINH TẾ GIỎI
                                                              ----
Dĩ An là vùng đất phía nam của tỉnh Bình Dương, có ưu thế về phát triển công nghiệp, dịch vụ. Sau hơn 15 năm tái lập, Dĩ an đã có những bước phát triển ấn tượng. Hiện cơ cấu kinh tế của thị xã là : Công nghiệp 68%, thương mại dịch vụ 31,5%, chỉ còn 0,5% là nông nghiệp. Nhìn vào cơ cấu này người ta có thể hình dung một địa phương đạt tầm phát triển như thế nào. Sự vươn lên của Dĩ An có sự đóng góp của toàn đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong thị xã, trong đó người cao tuổi có vai trò quan trọng đáng kể.
Trước hết, phải nói người cao tuổi là vốn quý của xã hội. Đa số họ đều là người có ít nhiều thành đạt trong cuộc sống. có uy tín với cộng đồng, có vốn tài chính và kiến thức nhất định và đặc biệt là kinh nghiệm sống dồi dào. Đặc biệt ở những người cao tuổi, phát triển các loại hình dịch vụ có vẽ như là phù hợp với điều kiện sức khỏe và tâm sinh lý của họ nhất. Qua khảo sát của hội người cao tuổi thị xã Dĩ An thì hiện người cao tuổi trong thị xã là 8.245 người, trong đó 65% còn sức khỏe đang trực tiếp lao động hoặc phụ giúp con cháu. Trong số này thì có 27% (1.467 người) có năng lực kinh tế, trình độ chuyên môn kỷ thuật đang trực tiếp đầu tư làm chủ nhiều cơ sở sản xuất vừa và nhỏ tại địa phương. Các ngành nghề họ trực tiếp tham gia khá đa dạng bao gồm: Khai thác khoáng sản,chế biến thức ăn, sản xuất vật liệu xây đựng, tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh nhà hành khách sạn, xăng đầu, vận tải, giáo dục...Để phát huy vai trò của người cao tuổi trong lĩnh vực phát triển kinh tế, hội người cao tuổi các cấp trong thị xã thường xuyên đi sát thực tế, nắm bắt những khó khăn, thuận lợi của họ để động viên chia sẻ giúp họ vươn lên trong sản xuất kinh doanh. Một số việc làm của hội đã góp phần động viên cổ vũ phong trào trong thời gian qua như: thành lập các câu lạc bộ chuyên ngành, tổ chức các buổi tọa đàm trao đổi kinh nghiệm, tập hợp các nguyện vọng, đề đạt của chủ doanh nghiệp là người cao tuổi để phản ánh với các cấp có thẩm quyền...Nhờ vậy phong trào làm kinh tế của người cao tuổi Dĩ An có những thành quả nhất định. Có thể nêu một số điển hình trên nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh như sau:
Về lĩnh vực nông nghiệp: có ông Nguyễn Tiến Chiểu Lâm ở phường Đông Hòa sản xuất các sinh phẩm kích thích tăng trưởng cây trồng, vật nuôi và thức ăn chăn nuôi, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động với thu nhập khá cao. Hoặc như ông Nguyễn Văn Gang ở phường Tân Bình với mô hình VAC hàng năm sản xuất trên 5 tấn cá thương phẩm các loại, 80 con heo thịt, hàng tấn trái cây các loại, thu nhập trên 200 triệu đồng
Về lĩnh vực dịch vụ có thể kể các trường hợp như ông Nguyễn văn Nô ở Tân Bình kinh doanh 120 phòng trọ với thu nhập hàng tháng khoảng 40 triệu đồng, bà Nguyễn Thi Hoa ở phường An Bình kinh doanh 145 nhà trọ thu nhập hàng tháng 50 triệu đồng. Ngoài ra còn có 275 hộ người cao tuổi có cửa hàng cửa hiệu kinh doanh mua bán rải rác ở các khu dân cư và chợ
Một số lĩnh vực khác như giáo dục cũng được người cao tuổi quan tâm đầu tư như bà Trần thị Thuận đầu tư Nhà trẻ Vàng Anh, bà Nguyễn Thi Yến Nga với nhà trẻ Tân Phú, bà Nguyễn Thi Anh Thư với trường mẫu  giáo Sơn Ca...Hoặc như cơ sở cung cấp suất cơm công nghiệp của ông Ngô văn Hòa ở phường Dĩ An với hàng trăm lao động, mỗi ngày cung cấp khoảng 10.000 suất ăn cho công nhân các khu công nghiệp...
Nhìn chung nhiều người cao tuổi vẫn còn sức khỏe, ý chí vươn lên làm giàu chính đáng cho mình, cho con cháu và cho xã hội rất đáng trân trọng.
Với những thành tích vừa nêu trên, trong hội nghị thi đua yêu nước vừa qua tại Hà Nội, Hội Người Cao Tuổi thị xã Dĩ an được vinh dự báo cáo điển hình và được Trung Ương Hội Người Cao Tuổi Việt Nam tặng bằng khen.
Ngoài phong trào làm kinh tế giỏi, hội người cao tuổi còn thực hiện đầy đủ các cuộc vận động của Trung ương và địa phương như: Học tập làm theo Bác chuyên đề 2015, phong trào thi đua “ tuổi cao gương sáng”, “Chung tay bảo vệ mội trường”, hay cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư...
Phát huy những ưu thế sẵn có, Hội người cao tuổi Dĩ An quyết tâm thực hiện thành công chương trình quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2012-2020 theo quyết định 1781 của thủ tướng chính phủ và kế hoạch 1242/KH-UBND của UBND thị xã Dĩ An, đảm bảo cho người cao tuổi được chăm sóc tốt, được phát huy vai trò của mình trong giai đoạn già hóa dân số. Hy vọng rằng việc quan tâm của nhà nước sẽ giúp cho người cao tuổi việt Nam nói chung và người cao tuổi Dĩ An phát huy bản lĩnh, trí tuệ để thực sự: “ gừng càng già càng cay”.

                                                       Vân Đồn tháng 10/2015

Thứ Ba, 10 tháng 11, 2015

Đâu Chỉ Là Ăn No


                                                           ĐÂU CHỈ LÀ ĂN NO.
Lần đầu tiên đến với Trung Tâm nuôi dưỡng người già tàn tật cô đơn tỉnh Bình Dương, đoàn chúng tôi có nhiều người mang sẳn định kiến: Chắc là ở đây họ chỉ cần nuôi cơm cho các đối tượng khỏi chết đói là được. Và khi biết được suy nghĩ này, chị Phạm Thị Yến giám đốc trung tâm đã nhanh chóng  chứng minh với chúng tôi điều ngược lại.
Ngẫu nhiên mà khi chúng tôi đến, trại đang chuẩn bị bữa ăn thêm cho các trại viên. Đó là một bữa bún riêu khá ngon do một mạnh thường quân tài trợ. Chị Yến cho biết : Ngoài những bữa ăn chính theo tiêu chuẩn của nhà nước quy định, Trung tâm còn vận động thêm các mạnh thường quân, các nhà tài trợ, nên thường xuyên các trại viên  có những bữa ăn dặm  khá đầy đủ dinh dưỡng. Cũng không phải có gì cho ăn nấy, mà trung tâm quan tâm rất kỷ đến yếu tố sức khỏe và tuổi tác của nhiều đối tượng khác nhau,  để xây dựng thực đơn phù hợp cho từng nhóm đối tượng. Ví dụ người già thực đơn phải khác, trẻ em khác, người đau yếu lại phải khác theo từng bệnh cảnh...Với mức dao động khoảng 300 trại viên thuộc nhiều nhóm đối tượng khác nhau như: người già cô đơn, người tàn tật, người tâm thần mãn tính, trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, nhiều đối tượng khác cần sự trợ giúp khẩn cấp...thì chỉ chuyện lo ăn uống đã là một vấn đề lớn.
Song song với ăn uống, còn biết bao nhiêu chuyện khác thuộc về đời sống, sinh hoạt, đau bệnh và cả chuyện chết, trung tâm đều phải lo hết. Có thể nói không ngoa rằng nơi đây là một xã hội mang tính đặc thù. Tất cả đối tượng khi được tiếp nhận vào trại đều phải qua kiểm tra phân loại sức khỏe để có chế độ chăm sóc phù hợp. Một số bệnh nguy hiểm như HIV/AIDS, giang mai, viêm gan siêu vi... đều được tổ chức xét nghiệm ban đầu cẩn thận . Từ đó, bộ phận y tế của trung tâm có cơ sở để thường xuyên theo dõi và điều trị cho mọi người. Những trường hợp ngoài khả năng điều trị của y tế trung tâm, đều được đưa lên tuyến trên điều trị, và có người theo dõi chăm sóc chu đáo. Trường hợp có đối tượng già yếu, bệnh tật qua đời, thì được trung tâm tổ chức tang lễ an táng theo quy chế chung.
Trong sinh hoạt hàng ngày, tùy theo từng nhóm đối tượng, trung tâm tổ chức cho họ sinh hoạt, học hành và vui chơi. Ví như các trẻ em có thể đi học thì tạo điều kiện cho đến trường học tập, nhóm các em tập trung tạm thời thì dạy tại chỗ cho biết đọc biết viết, chờ ngày đoàn tụ gia đình. Ngoài ra các em còn được học võ thuật, bơi lội để nâng cao kỹ năng sống và tái hòa nhập cộng đồng. Đối với nhóm đối tượng tàn tật nhẹ thì đào tạo những nghề đơn giản như dệt saori, hay các nghề thủ công giúp họ có thêm thu nhập. Riêng đối với các cụ cao tuổi thì trung tâm tạo điều kiện cho họ tập luyện dưỡng sinh để duy trì và nâng cao sức khỏe, đồng thời chăm sóc hoa kiểng, chim thú để giải trí và tạo thêm thu nhập. Chúng tôi hỏi cụ Hoàng thị Thương 70 tuổi: Các cụ có được cho đi chơi đâu không? Trong thâm tâm tôi nghĩ là hỏi cho vui vậy thôi, nhưng câu trả lời của cụ làm tôi ngạc nhiên thật sự:” Có chứ. Khi thì đi Vũng Tàu, khi thì đi Đà Lạt, cũng có khi thì đi gần như Suối Tiên, Sở thú chẳng hạn”. Hóa ra không chỉ là lo cái ăn cái mặc, đau bệnh, học hành mà cả nhu cầu giải trí tham quam học hỏi của các trại viên đều được lãnh đạo trung tâm chăm lo đầy đủ. Chị Phạm Thị Yến giám đốc trung tâm còn cho chúng tôi biết: Các ngày lễ tết trong năm như tết nguyên đán, tết trung thu, tết đoan ngọ, tết dương lịch,hay lễ 30/4, 2/9, quốc tế người cao tuổi, quốc tế thiếu nhi, các ngày rằm lớn trong năm... trung tâm đều có tổ chức họp mặt liên hoan cho từng nhóm đối tượng
Hướng dẫn chúng tôi đi thăm các khu trong trại, chi Yến thân mật hỏi thăm từng người, chị nhớ rõ từng tên tuổi của trại viên và mọi người đều tiếp xúc với chị một cách tự nhiên thân thiện như người trong gia đình. Khi chúng tôi có ý định hỏi một vài trại viên về đời sống sinh hoạt của họ, chi tự tin bảo rằng: Các anh có thể gặp bất cứ ai, hỏi bất cứ vấn đề gì, không sao cả. Thật ra, nhìn cảnh sinh hoạt nề nếp, phòng ốc sạch sẽ gọn gàng, ngoài sân vườn hoa cỏ được chăm sóc tươi đẹp chúng tôi cũng có thể hình dung một đời sống khá “đàng hoàng” ở nơi này mà không cần hỏi gì nhiều
Đến như chuyện cuối đời người là cái chết cũng được trung tâm chăm lo khá tươm tất. Hiện tại Trung tâm có một nhà tang lễ khá rộng rãi để lo hậu sự cho những người qua đời. Thật ra, các cụ sống lâu dài và qua đời tại đây hầu như đều là người cô đơn không còn người thân, nên việc mai táng cũng thực hiên theo quy định chung là hỏa táng và gửi tro cốt vô chùa. Tuy nhiên, cũng không phải không có trường hợp khi sống thì cô đơn nương nhờ sự bảo trợ của nhà nước, xã hội, nhưng khi chết thì con cháu “ để tang trắng trời”. Không biết nên nói rằng đây là “ khe hở “ của pháp luật hay “ khe tối “ của lòng người. Cũng may chuyện như vậy không nhiều.
Rời khỏi trung tâm trong một chiều trời đẹp, nhìn cảnh thanh bình êm ả tại đây,chúng tôi thầm mong cuộc sống của mọi người luôn ổn định và ngày càng tốt đẹp hơn. Xin cảm ơn nhà nước và xã hội đã dành cho những mãnh đời bất hạnh một khoảng sáng cuối đời để họ tin yêu vào cuộc sống.
                                                                  Vân Đồn đầu tháng 10/2015